HÀ NỘI - Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị tại các bệnh viện tăng cao so với các năm trước, trong đó nhiều người nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết 70% trường hợp nhập viện có dấu hiệu cảnh báo nặng, 30% có yếu tố nguy cơ, bệnh nền ví dụ béo phì, cao huyết áp, rối loạn đông máu... Hiện bệnh viện điều trị hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đức Giang là một trong những bệnh viện tuyến cuối về hồi sức tích cực ở Hà Nội. Năm nay tiếp nhận tổng cộng hơn 2.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng cao so với các năm trước, theo bác sĩ Thường.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, cho biết khoảng 30-40% bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại viện trong tình trạng nặng.
Sốt xuất huyết cảnh báo nặng là khi bệnh nhân có các dấu hiệu: xuất huyết niêm mạc ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng nhiều, liên tục và đau ở vị trí lá gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; tiểu ít; tràn dịch đa màng như phổi, bụng... Lúc này, người bệnh cần nhập viện theo dõi để điều trị kịp thời, ngăn biến chứng nguy hiểm tính mạng.
"Một số người trẻ, sốt xuất huyết ngày đầu đã có dấu hiệu cảnh báo nặng; có người mắc thêm cúm; rất nhiều người bị suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu. Đây là điểm khác ở nhiều bệnh nhân so với các năm trước", bác sĩ Hường nói. Như một bệnh nhân 25 tuổi, không có bệnh nền, sốt 5 ngày không dứt, phải dùng thuốc hạ sốt kéo dài, thận suy, men gan cao gấp 30 lần. Sau đó, người bệnh bị rối loạn đông máu không cải thiện, chuyển tuyến trên điều trị, xuất huyết não rồi tử vong.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối về điều trị bệnh truyền nhiễm ở miền Bắc, tuần qua ghi nhận hai ca tử vong do sốt xuất huyết, đều là nam, 31 và 38 tuổi, ở quận Hà Đông. Khi nhập viện, bệnh nhân đã vào sốc, vật vã, bác sĩ dùng mọi biện pháp cứu chữa nhưng không hiệu quả.
Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5-10 ca sốt xuất huyết nặng mỗi ngày, tăng cao so với các năm trước. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhận định năm nay dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số người mắc tăng cao ở cả ba miền, bệnh nhân nặng và tử vong nhiều hơn những năm trước.
Theo bác sĩ Cấp, nguyên nhân khiến sốt xuất huyết năm nay tăng cao, đầu tiên có thể do độc lực virus thay đổi, dẫn đến diễn biến bệnh nặng hơn. Thứ hai, hệ miễn dịch của người bệnh có thể bị thay đổi sau đại dịch Covid, tuy nhiên "đây chỉ là giả thiết cần nghiên cứu sâu hơn", ông Cấp nói rõ.
Ngoài ra, ông cho rằng hệ thống y tế nhiều nơi đã bị tổn thương sau Covid-19, đặc biệt là y tế cơ sở, cũng như tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tác động nhiều đến năng lực phòng, kiểm soát dịch và chất lượng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, khiến số ca nặng tăng.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm không muốn nêu tên, cho rằng "một số cơ sở y tế đã quên kiến thức điều trị sốt xuất huyết", xử trí bệnh nhân chưa nhuần nhuyễn. Ví dụ, quá trình cấp cứu bệnh nhân nặng cần liên tục, theo dõi sát 5-10 phút một lần. Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế không chú ý điều này, chuyển viện bệnh nhân khi chưa được xử trí ổn thỏa, không theo sát ngay trên đường vận chuyển khiến bệnh nhân tái sốc, gặp biến chứng.
Một nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia nhận định là sự chủ quan từ người bệnh. Nhiều người bị sốt không nghĩ mình bị sốt xuất huyết mà cho là mắc bệnh khác, tự điều trị tại nhà nên đến viện muộn. Sốt xuất huyết khi đã vào giai đoạn sốc thì khả năng cứu sống rất mong manh.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang đồng thời xuất hiện các bệnh khác như cúm A/B, tình trạng đồng nhiễm khiến cho tỷ lệ nặng cũng tăng lên rất nhiều, theo bác sĩ Hường. Ví dụ, người đồng nhiễm cúm và sốt xuất huyết, tình trạng sốt tăng lên, thuốc hạ sốt không cải thiện nhiều, còn tiểu cầu hạ xuống rất nhanh. Người bệnh bị sốt cao liên tục gây mất nước, từ đó suy thận, trở nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan khi có dấu hiệu sốt. Theo bác sĩ Thường, người bệnh sốt xuất huyết không nhất thiết nhập viện nhưng phải được khám ban đầu tại cơ sở có chuyên khoa truyền nhiễm. Bệnh nhân khám sớm, được xét nghiệm công thức máu để theo dõi, phát hiện kịp thời tình trạng cô đặc máu.
Khi mắc sốt xuất huyết, nên uống nhiều nước và tuân thủ liều thuốc hạ sốt được bác sĩ chỉ định. Bác sĩ Hường khuyên ưu tiên bù dịch bằng oresol, cần nhập viện truyền dịch khi không ăn được, ăn kém, buồn nôn. Không tự ý truyền dịch tại nhà vì biện pháp này cần bác sĩ chỉ định và theo dõi chặt chẽ trong khi truyền, đặc biệt với người già, bệnh nhân tim mạch.
Sốt xuất huyết diễn biến nặng bắt đầu từ ngày thứ 4. Lúc này người bệnh có thể hết sốt nhưng cơ thể bị thoát dịch gây tình trạng cô đặc máu, xuất hiện biến chứng nặng. Do đó bác sĩ khuyến cáo không chủ quan khi hết sốt, cần theo dõi sát vào ngày 3-7, vượt qua những ngày này mới được coi là đã bình phục.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tuần qua ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết mới, nhiều nơi có chỉ số bùng dịch vượt ngưỡng. Hiện chưa có thống kê chung về số bệnh nhân nặng của thành phố, song CDC dự báo nguy cơ ghi nhận thêm nhiều ca nặng và tử vong khi số mắc mới tiếp tục tăng cao. Nhiều bệnh viện quá tải.
Nguồn Vnexpress.net