Theo John W. Barnhill, MD, New York-Presbyterian Hospital
Đánh giá về mặt y tế Thg4 2020
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là những hồi tưởng mang tính thâm nhập, tái hiện của một sự kiện sang chấn quá mạnh; sự hồi tưởng kéo dài > 1 tháng và bắt đầu trong vòng 6 tháng sau sự kiện. Sinh lý bệnh học của rối loạn này chưa được hiểu rõ. Triệu chứng cũng bao gồm việc né tránh các kích thích liên quan đến sự kiện sang chấn, các cơn ác mộng, và hồi tưởng. Chẩn đoán dựa trên tiền sử. Điều trị bao gồm liệu pháp phơi nhiễm và điều trị bằng thuốc.
(Xem thêm Tổng quan về Sang chấn và Rối loạn Liên quan đến Stress.)
Khi những điều khủng khiếp xảy ra, nhiều người bị ảnh hưởng lâu dài; trong một số trường hợp, những ảnh hưởng này vẫn tồn tại dai dẳng và nghiêm trọng đến mức chúng gây ra suy nhược và cấu thành một rối loạn. Nói chung, các sự kiện có thể gây ra PTSD là những sự kiện gợi lên cảm giác sợ hãi, bất lực, hoặc ghê rợn. Những sự kiện này có thể được trải nghiệm trực tiếp (ví dụ, như là một chấn thương nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạnh) hoặc gián tiếp (ví dụ, chứng kiến những người khác bị thương nặng, bị giết, hoặc bị đe dọa tính mạng, học các sự kiện xảy ra với thân nhân hoặc bạn bè). Chiến đấu, tấn công tình dục, và thiên tai tự nhiên hoặc do con người gây ra là những nguyên nhân phổ biến của PTSD.
Tỷ lệ trọn đời là gần 9%, với tỷ lệ 12 tháng là khoảng 4%.
Triệu chứng và dấu hiệu của PTSD
Các triệu chứng của PTSD có thể được chia thành các loại: sự xâm nhập, sự tránh né, sự thay đổi tiêu cực trong nhận thức và tâm trạng, và sự thay đổi trong kích thích và phản ứng. Thông thường, bệnh nhân thường xuyên có những ký ức không mong muốn tái hiện lại sự kiện khởi phát. Ác mộng về sự kiện là phổ biến.
Ít phổ biến hơn là các trạng thái phân ly thức giấc thoáng qua, trong đó các sự kiện được hồi tưởng lại như thể đang xảy ra (hồi tưởng), đôi khi khiến bệnh nhân phản ứng như thể trong tình huống ban đầu (ví dụ, tiếng động lớn như pháo hoa có thể kích hoạt hồi tưởng về quá trình chiến đấu, do đó có thể khiến bệnh nhân tìm nơi trú ẩn hoặc phủ phục trên mặt đất để được bảo vệ).
Bệnh nhân né tránh các kích thích liên quan đến sang chấn và thường cảm thấy tê cóng và không quan tâm đến các hoạt động hàng ngày.
Đôi khi các triệu chứng xuất hiện từ sự tiếp tục của rối loạn stress cấp, hoặc chúng có thể xảy ra riêng biệt, bắt đầu trong vòng 6 tháng sau sang chấn. Đôi khi biểu hiện đầy đủ các triệu chứng bị trì hoãn, xảy ra nhiều tháng hoặc thậm chí hàng năm sau sự kiện chấn thương.
Trầm cảm, các rối loạn lo âu khác và lạm dụng chất phổ biến ở những bệnh nhân bị PTSD mạn tính.
Ngoài lo âu đặc hiệu về sang chấn, bệnh nhân có thể cảm thấy tội lỗi vì hành động của họ trong suốt sự kiện hoặc bởi vì họ sống sót trong khi những người khác thì không.
Chẩn đoán PTSD
- Tiêu chuẩn lâm sàng
Chẩn đoán là lâm sàng dựa trên các tiêu chí trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5).
Để đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán, bệnh nhân phải bị phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp với một sự kiện sang chấn và có các triệu chứng từ mỗi loại sau đây trong khoảng thời gian ≥ 1 tháng.
Các triệu chứng mang tính thâm nhập (≥ 1 trong số những điều sau đây):
- Có những ký ức đau buồn tái diễn, không mong muốn, mang tính thâm nhập
- Có những giấc mơ gây đau buồn xảy ra thường xuyên (ví dụ, cơn ác mộng) về sự kiện
- Hành động hoặc cảm thấy như thể sự kiện đang xảy ra lần nữa, có thể từ việc có những hồi tưởng đến hoàn toàn mất đi nhận biết về môi trường hiện tại xung quanh
- Cảm thấy căng thẳng tâm lý hoặc cơ thể khi gợi nhớ về sự kiện (ví dụ, thông qua ngày kỷ niệm sự kiện, âm thanh tương tự như những gì họ được nghe trong sự kiện)
Các triệu chứng né tránh (≥ 1 trong số những điều sau đây):
- Né tránh các suy nghĩ, cảm xúc, hoặc ký ức liên quan đến sự kiện
- Né tránh các hoạt động, địa điểm, cuộc trò chuyện hoặc những người gây kích hoạt ký ức về sự kiện
Tác động tiêu cực lên nhận thức và cảm xúc (≥ 2 trong số những điều sau đây):
Mất trí nhớ về các phần quan trọng của sự kiện (quên phân ly)
Những kì vọng hoặc niềm tin tiêu cực dai dẳng và bị phóng đại về bản thân, những người khác hoặc trên giới
Những suy nghĩ lệch lạc dai dẳng về nguyên nhân hoặc hậu quả của sang chấn dẫn đến đổ lỗi cho bản thân hay người khác
Tình trạng cảm xúc tiêu cực dai dẳng (ví dụ như lo sợ, ghê rợn, tức giận, tội lỗi, xấu hổ)
Giảm đáng kể sự quan tâm hoặc tham gia vào các hoạt động quan trọng
Cảm thấy mất gắn kết hoặc xa lạ với người khác
Liên tục mất khả năng trải nghiệm các cảm xúc tích cực (ví dụ như hạnh phúc, sự hài lòng, cảm nhận yêu thương)
Thay đổi sự thức tỉnh và tính phản ứng (≥ 2 trong số những điều sau đây):
- Khó ngủ
- Dễ bị kích thích hoặc tức giận dữ dội
- Hành vi tự hủy hoại hoặc liều lĩnh
- Vấn đề tập trung
- Tăng phản ứng giật mình
- Tăng cảnh giác
Ngoài ra, các biểu hiện phải gây ra tình trạng đau khổ đáng kể hoặc làm suy giảm đáng kể chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp và không có liên quan đến các ảnh hưởng sinh lý của một chất hoặc bệnh nội khoa khác.
Điều trị PTSD
- Tự chăm sóc
- Tâm lý trị liệu
- Thuốc điều trị (ví dụ, các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc [SSRI])
Một loạt các liệu pháp tâm lý đã được sử dụng thành công để điều trị rối loạn stress sau chấn thương (PTSD). SSRI hoặc liệu pháp điều trị bằng thuốc khác cũng thường được sử dụng.
Nếu không được điều trị, PTSD mạn tính thường giảm độ nghiêm trọng mà không biến mất, nhưng một số người vẫn còn lại sự suy giảm trầm trọng.
Liệu pháp tâm lý đầu tay được sử dụng, liệu pháp phơi nhiễm, liên quan đến việc tiếp xúc với các tình huống mà người đó né tránh vì chúng có thể khơi gợi hồi tưởng về sang chấn. Tiếp xúc nhiều lần trong tưởng tượng với trải nghiệm sang chấn của bản thân thường giúp giảm bớt đau khổ sau một số sự gia tăng khó chịu ban đầu.
Tái nhận thức và giải mẫn cảm thông qua chuyển động nhãn cầu (EMDR) là một dạng của liệu pháp phơi nhiễm. Đối với liệu pháp này, bệnh nhân được yêu cầu nhìn theo ngón tay di chuyển của nhà trị liệu trong khi họ tưởng tượng bị tiếp xúc với sang chấn.
Ngừng các hành vi nghi thức nào đó, chẳng hạn như rửa quá mức để cảm thấy sạch sẽ sau khi bị tấn công tình dục, cũng giúp ích.
SSRI có thể làm giảm lo lắng và/hoặc trầm cảm. Prazosin có vẻ hữu ích trong việc giảm các cơn ác mộng. Các thuốc chỉnh khí sắc và thuốc chống loạn thần không điển hình đôi khi cũng được kê đơn, nhưng sự hỗ trợ từ sử dụng những thuốc này là rất ít.
Vì lo âu thường mãnh liệt, liệu pháp tâm lý nâng đỡ đóng một vai trò quan trọng. Các nhà trị liệu phải thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm, nhìn nhận và thừa nhận nỗi đau tinh thần của bệnh nhân và tính thực tế của các sự kiện sang chấn. Trong quá trình điều trị sớm, nhiều bệnh nhân cần phải học cách thư giãn và kiểm soát sự lo lắng (ví dụ như chánh niệm, tập thở, tập luyện) trước khi họ có thể chịu được sự tiếp xúc có xu hướng điều trị PTSD.
Đối với cảm nhận tội lỗi khi là người sống sót, liệu pháp tâm lý nhằm giúp bệnh nhân hiểu và thay đổi thái độ tự phê phán và trừng phạt của họ có thể sẽ hữu ích.
Nguồn msdmanuals.com
Mọi thông tin trên website chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Vui lòng không tự ý áp dụng, nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.